Chàm da eczema là gì? Phân biệt eczema và hắc lào

Eczema được biết đến là bệnh lý da với nguyên nhân, cơ chế gây bệnh cực kỳ phức tạp. Vì triệu chứng của eczema khá giống bệnh hắc lào khiến cho nhiều người nhầm lẫn dẫn tới việc điều trị sai cách. Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách phân biệt chàm da eczema và bệnh hắc lào cho mọi người cùng tham khảo. 

1. Chàm da eczema là gì? 

Chàm da eczema là thuật ngữ dùng để chỉ bệnh viêm da mạn tính với cơ chế bệnh sinh khá phức tạp. Bệnh có thể được gây ra do yếu tố di truyền, do rối loạn chức năng miễn dịch và biểu bì hoặc các yếu tố môi trường. 

Eczema có thể gặp ở mọi độ tuổi, nhưng nhiều nhất vẫn là trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các phát ban của eczema có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. 

2. Chàm da và hắc lào có phải là một không?

Chàm da và hắc lào rất dễ bị nhầm lẫn với nhau vì có nhiều triệu chứng tương đương. Hơn nữa, bệnh hắc lào khi không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hiện tượng chàm hóa. Trên thực tế, eczema và hắc lào là hai căn bệnh hoàn toàn khác biệt. Bởi vì nguyên nhân gây bệnh, khả năng lây nhiễm lại không giống nhau. 

3. Cách phân biệt eczema và hắc lào 

3.1 Nguyên nhân gây bệnh 

Cho tới nay, y học hiện đại vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây nên chàm da eczema. Các chuyên gia mới chỉ đưa ra được một số yếu tố góp phần gây ra, làm cho bệnh chàm da eczema trở nên trầm trọng như: 

  • Do da khô: độ ẩm trên da như một “hàng rào” bảo vệ da trước các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Da khi bị thiếu hụt độ ẩm có thể trở nên nhạy cảm, dễ bị viêm nhiễm. 
  • Do ma sát: Sự ma sát giữa da và các bề mặt, chẳng hạn như cọ xát với quần áo có thể tạo ra những vết rách nhỏ. Dù không gây chảy máu nhưng những vết rách này khiến cho da dễ bị viêm hơn. 
  • Căng thẳng: tình trạng căng thẳng có thể làm thay đổi nội tiết tố và gây bùng phát chàm.
  • Nhiệt hoặc lạnh: nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng có thể khiến cho bề mặt da bị khó chịu. Một trong hai điều kiện này cũng có thể khiến bạn bị chàm da eczema. 
  • Do di truyền: Chàm da eczema có liên quan tới chứng đột biến gen FLG. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, có từ 20 - 30% bệnh nhân bị eczema xuất phát từ đột biến gen FLG. 
  • Các thói quen sinh hoạt: một số thói quen sinh hoạt, hoạt động hàng ngày cũng gia tăng khả năng phát triển eczema gồm thường xuyên tiếp xúc với các chất kích ứng hóa học, tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất, tắm hoặc rửa tay quá thường xuyên, chà xát mạnh hoặc làm cho da bị trầy xước… 

Bệnh hắc lào là bệnh nhiễm trùng da bởi một loại nấm có tên là Dermatophyte. Hắc lào có thể gây ra một số tổn thương ở khu vực da đầu, da mặt, thân và các chi. Thời điểm dễ bùng phát của bệnh hắc lào là vào thời điểm giao giữa mùa đông và xuân, mùa xuân và hạ. Bởi vì thời tiết đặc trưng ở các giai đoạn này là nóng, ẩm tạo điều kiện cho vi nấm phát triển. 

3.2 Triệu chứng bệnh 

Triệu chứng eczema được chia thành 3 giai đoạn gồm: cấp tính, bán cấp, mãn tính. Ở mỗi giai đoạn, chàm da eczema sẽ xuất hiện những triệu chứng riêng biệt, thể hiện sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, các giai đoạn của bệnh eczema lại rất khó đoán. 

  • Giai đoạn cấp tính: ở giai đoạn này, người bị eczema sẽ có cảm giác ngứa ngáy. Ngứa sẽ xuất hiện trước khi có những nốt phát ban rõ ràng trên da. Đây là điều khác biệt rõ rệt của eczema so với những bệnh viêm da khác. Một số triệu chứng của eczema ở giai đoạn cấp tính là: ngứa dữ dội, da đỏ nghiêm trọng, xuất hiện mụn nước, da nóng, sưng tấy, phồng rộp. Những vết eczema cấp tính thường có đường viền rõ nét. Bệnh thường bùng phát dữ dội ở giai đoạn cấp tính. 
  • Giai đoạn bán cấp tính: là giai đoạn chuyển giao giữa cấp và mãn tính. Lúc này eczema sẽ có những triệu chứng như: da bị nứt nẻ, bong tróc, bị sưng đỏ nhưng nhẹ hơn so với giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, cảm giác đau rát và châm chích ở giai đoạn bán cấp tính lại dữ dội hơn trước đó. Những đường viền phát ban của eczema ở giai đoạn bán cấp thường không rõ ràng, ở dạng khô, không bị phồng rộp hay chảy dịch như ở giai đoạn cấp tính. 
  • Giai đoạn mãn tính: kể từ khi những triệu chứng eczema đầu tiên xuất hiện, phải mất vài tháng trở lên thì các triệu chứng eczema mãn tính mới xuất hiện. Các triệu chứng thường gặp ở giai đoạn này là: các đường viền da nổi bật; da dày lên do bị liken hóa; da bị tối, xỉn hoặc đổi màu; vùng da bị tổn thương lan rộng; người bệnh có cảm giác ngứa ngáy. Những triệu chứng có thể trở nặng khi bước qua giai đoạn mãn tính, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn. 

Trong khi đó, triệu chứng của bệnh hắc lào là xuất hiện những mảng mẩn đỏ, mụn nước mọc theo hình tròn, bầu dục với mảng bờ có vảy nổi cao. Chúng lan rộng ra xung quanh và có xu hướng lành ở chính giữa. Các tổn thương do hắc lào gây ra làm cho người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. 

Những cơn ngứa do hắc lào thường bùng phát vào ban đêm, khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi hoặc những ngày trời nóng nực. Hắc lào không được chăm sóc, điều trị đúng cách sẽ khiến cho các tổn thương lan ra khắp cơ thể hoặc chuyển sang hiện tượng chàm hóa. 

3.3 Khả năng lây nhiễm

Mặc dù eczema không có khả năng lây nhiễm nhưng bệnh nhân mắc eczema lại rất dễ bị nhiễm trùng da. Điều này cũng một phần xuất phát từ việc hàng rào bảo vệ da bị suy giảm. Những vết bong tróc, nứt nẻ làm cho lớp hạ bì, biểu bì phải tiếp xúc với mầm bệnh. Các hành động gãi, chà xát có thể gây ra nhiều vết nứt mới trên da, từ đó tạo điều kiện cho các virus, nấm, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. 

Bệnh hắc lào có thể lây nhiễm sang người khác qua sinh hoạt thường ngày. Bên cạnh đó, đây là một bệnh dễ dàng tái nhiễm. Do đó, chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ cơ thể để không mắc phải bệnh này. 

Như vậy, bài viết đã giúp bạn hiểu rõ về bệnh chàm da eczema, biết phân biệt giữa eczema và hắc lào. Hãy tạo cho mình những thói quen sinh hoạt lành mạnh, vệ sinh cơ thể và môi trường xung quanh sạch sẽ để phòng ngừa các căn bệnh trên. Nếu thấy cơ thể có những biểu hiện của bệnh, bạn nên đến ngay bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời nhé. 

Nguồn tham khảo: 

*Tham khảo: “Bệnh Eczema: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị và Phòng ngừa" – Sở y tế Bạc Liêu 

Truy xuất từ:

https://syt.baclieu.gov.vn/vi/-/benh-eczema

* Tham khảo: “Viêm da cơ địa (Eczema)” – MSD Manual 

Truy xuất từ:

https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-da-li%E1%BB%85u/vi%C3%AAm-da/vi%C3%AAm-da-c%C6%A1-%C4%91%E1%BB%8Ba-eczema#:~:text=Vi%C3%AAm%20da%20c%C6%A1%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20l%C3%A0,n%E1%BA%B7ng%20%C4%91%E1%BA%BFn%20ch%E1%BB%A9ng%20%C4%91%E1%BB%8F%20da.

* Tham khảo: “Bệnh hắc lào: Nguyên nhân và cách phòng ngừa" – Sức khỏe & Đời sống

Truy xuất từ:

https://suckhoedoisong.vn/benh-hac-lao-nguyen-nhan-va-cach-phong-ngua-169230625191333335.htm

Ngày truy xuất: 17/12/2023

* Tham khảo: “IMPACT OF ATOPIC DERMATITIS AND LOSS-OF-FUNCTION MUTATIONS IN THE FILAGGRIN GENE ON THE DEVELOPMENT OF OCCUPATIONAL IRRITANT CONTACT DERMATITIS - PMC" – National Center for Biotechnology Information

Truy xuất từ:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3974545/

Ngày truy xuất: 02/05/2024

CH-20240425-04

CÔNG TY TNHH BAYER VIỆT NAM

Giấy chứng nhận ĐKDN số: 3600359484 do Sở KH&ĐT Tỉnh Đồng Nai cấp ngày 30/08/1997

Địa chỉ trụ sở: Lô 118/4 KCN Long Bình hiện đại (Amata), P. Long Bình, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai

LHA