Bệnh ghẻ và hắc lào là gì? Cách phân biệt Bệnh ghẻ và hắc lào
Thông thường khi bị ngứa, mọi người thường nghĩ rằng mình bị viêm da, dị ứng, nấm…Tuy nhiên ít ai biết rằng đây còn là biểu hiện của các bệnh như ghẻ, hắc lào. Vậy, Bệnh ghẻ hắc lào là gì? Có những biện pháp gì để chữa trị Bệnh ghẻ hắc lào. Mời bạn tham khảo các thông tin về hai loại bệnh ngoài da này trong bài viết dưới đây.
1. Bệnh ghẻ và hắc lào là gì? Có phải là một loại bệnh không?
1.1 Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ là bệnh nhiễm ký sinh trùng trên da, được gây ra bởi sự xâm nhập bởi một loại ký sinh tại lớp thượng bì được gọi là cái ghẻ. Bệnh ghẻ có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, trong đó trẻ em và phụ nữ có thai, những đối tượng có hệ miễn dịch yếu dễ bị nhiễm hơn.
Bệnh ghẻ thường xuất hiện ở những khu vực đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém. Nó có thể lây lan thông qua việc tiếp xúc gần gũi với những người có mầm bệnh hoặc thông qua trung gian là những vật dụng có chứa cái ghẻ, trứng ghẻ.
1.2 Hắc lào
Hắc lào còn được gọi với tên khác là nấm da, lác đồng tiền. Bệnh được gây ra bởi nhóm nấm Dermatophytes gây nên, thường gặp nhất là 3 loại: Trichophyton, Microsporum và Epidermophyton . Bệnh hắc lào thường xuất hiện nhiều vào khoảng thời gian giao giữa mùa đông - xuân, xuân - hè. Chính thời tiết nóng ẩm của các giai đoạn này đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển.
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh hắc lào đó là thói quen vệ sinh cá nhân kém. Đặc biệt khi thời tiết nóng ẩm, môi trường xung quanh thiếu vệ sinh, áo quần ẩm ướt… khiến vi khuẩn, vi nấm có cơ hội sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó cũng có thể do nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc thường xuyên tiếp xúc, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
2. Làm sao để phân biệt bệnh ghẻ và hắc lào?
Bệnh ghẻ hắc lào thực chất là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Dưới đây là cách phân biệt bệnh ghẻ và hắc lào.
2.1 Dấu hiệu bệnh
Đối với bệnh ghẻ sẽ có những triệu chứng thường gặp như sau:
- Xuất hiện những thương tổn màu đỏ, da bong vảy, có mụn nước, nốt sẩn đóng vảy
- Những vị trí thường gặp: nếp gấp cổ tay, các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách, bìu, dương vật, quầng vú (nữ), bàn chân.
- Một đặc điểm nhận dạng giúp dễ dàng chẩn đoán bệnh là hang ghẻ có dạng sẩn cứng, bề mặt có mụn nước, đôi lúc có những chấm đen ở trên bề mặt.
- Xảy ra hiện tượng chàm hóa dày sừng do cào, gãi thường xuyên vì ngứa.
- Da bị đỏ do nhạy cảm với các kháng nguyên ký sinh trùng ghẻ.
Biểu hiện ở bệnh hắc lào là có các mảng mẩn đỏ, mụn nước mọc thành hình bầu dục, hình tròn với các mảng bờ có vảy nổi cao. Các khu vực bị tổn thương thường gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
2.2 Thời điểm xuất hiện cơn ngứa trong ngày
Bệnh ghẻ khiến bạn cảm thấy ngứa dữ dội, dấu hiệu ngứa ngáy tăng lên vào ban đêm vì đây là lúc cái ghẻ đào hầm. Tương tự như bệnh ghẻ, thời điểm xuất hiện cơn ngứa của bệnh hắc lào cũng vào ban đêm. Tuy nhiên, các cơn ngứa của bệnh hắc lào còn gia tăng khi cơ thể đổ mồ hôi hoặc thời tiết nóng nực.
2.3 Mức độ ảnh hưởng tới sức khoẻ
Mặc dù không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng bệnh ghẻ khiến người mắc cảm thấy khó chịu, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh ghẻ nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách sẽ có thể diễn tiến trong thời gian dài.
Hắc lào cũng thuộc dạng bệnh lành tính, không gây để lại những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh hắc lào cũng gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và cuộc sống.
3. Làm sao để khắc phục tình trạng bệnh ghẻ, hắc lào trên da
Như đã đề cập ở trên, bệnh ghẻ hắc lào ảnh hưởng rất nhiều tới các khía cạnh cuộc sống nếu không may mắc phải. Vì vậy, nắm bắt được cách chữa bệnh ghẻ hắc lào đúng đắn là điều cần thiết và quan trọng.
3.1 Cách chữa bệnh ghẻ
Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể. Cách điều trị bệnh ghẻ thông dụng nhất là sử dụng permethrin 5% ở dạng kem bôi hoặc dạng xịt. Ngoài ra còn có một số loại khác như: viên uống ivermectin, dung dịch DEP (diethylphtalate).
Đây đều là những loại thuốc khá an toàn để điều trị ngoài da, được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh ghẻ. Tuy nhiên cần sử dụng thuốc đúng đắn để phát huy tối đa hiệu quả điều trị, tránh gặp những tác dụng phụ không mong muốn.
Bạn cũng nên áp dụng các cách phòng chống bệnh ghẻ tái phát. Tránh dùng chung đồ các nhân, quần áo, không tiếp xúc hoặc dùng chung đồ dùng của người bệnh. Nếu phát hiện trong gia đình có ngừa bị bệnh ghẻ cần sớm đưa đến bác sĩ thăm khám và điều trị.
3.2 Cách chữa hắc lào
Khi bị mắc bệnh nấm da hay còn gọi là hắc lào, điều quan trọng nhất là bạn phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu và tránh tái phát. Bên cạnh việc sử dụng thuốc đúng cách, bạn cũng nên chú ý không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác để tránh lây lan bệnh. Ngoài ra, bôi thuốc đều đặn sẽ giúp giảm ngứa và tránh gãi gây trầy xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc bôi hoặc uống phù hợp. Với các trường hợp nhẹ, thuốc bôi tại chỗ như kem, thuốc mỡ hay bột trị nấm sẽ được sử dụng. Bạn nên tiếp tục sử dụng thuốc trong ít nhất 7 ngày sau khi các tổn thương da đã lành để đảm bảo hiệu quả. Đối với các trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp giữa thuốc bôi và thuốc uống như griseofulvin hay terbinafine. Điều quan trọng là bạn phải hoàn thành đủ liệu trình điều trị theo chỉ định của bác sĩ để tránh tái phát.
Trong một số ít trường hợp, các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến chức năng gan. Do đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm để theo dõi và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp nếu cần thiết.
Thời gian điều trị bệnh hắc lào phụ thuộc vào vị trí tổn thương trên da. Với bệnh nấm toàn thân, các triệu chứng thường cải thiện rõ rệt sau 4 tuần điều trị. Nấm da đùi cần từ 2 đến 8 tuần, trong khi nấm da chân có thể kéo dài hơn. Riêng với bệnh nấm da đa sắc, thời gian điều trị thường từ 1 đến 2 tuần, nhưng đôi khi có thể lên tới 1 tháng.
Với sự tuân thủ điều trị nghiêm túc và lối sống vệ sinh phù hợp, bạn hoàn toàn có thể chiến thắng bệnh hắc lào một cách nhanh chóng và triệt để. Hãy luôn lạc quan và kiên trì, đồng thời tin tưởng vào sự hướng dẫn tận tình của bác sĩ. Sức khỏe của bạn sẽ sớm được cải thiện và làn da sẽ trở nên khỏe mạnh, sáng đẹp trở lại. Hãy chăm sóc bản thân chu đáo và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp sau khi đã chiến thắng căn bệnh này nhé!
4. Những lưu ý cần biết khi chữa bệnh ghẻ, hắc lào
- Tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ để bệnh ghẻ hắc lào không tái phát
- Trong quá trình điều trị cần hạn chế tiếp xúc với người xung quanh để không truyền bệnh cho họ
- Kết hợp luyện tập tập thể dục, thể thao để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra cần xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh và trái cây
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng
- Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, tắm gội thường xuyên
Bài viết trên đã giúp người đọc hiểu rõ về các bệnh ghẻ hắc lào, cách phân biệt điều trị bệnh. Cho dù đây là hai bệnh da liễu thường gặp và lành tính nhưng không vì thế mà chúng ta lơ là, chủ quan trọng việc phòng và điều trị bệnh. Hãy chia sẻ ngay thông tin hữu ích này cho bạn bè, người thân để mọi người biết cách bảo vệ bản thân thật tốt.
Nguồn tham khảo:
*Tham khảo: “Bệnh hắc lào: Nguyên nhân và cách phòng ngừa” – Sức khỏe & Đời sống
Truy xuất từ:
https://suckhoedoisong.vn/benh-hac-lao-nguyen-nhan-va-cach-phong-ngua-169230625191333335.htm
*Tham khảo: “Bệnh ghẻ điều trị bằng cách nào" – Sức khỏe & Đời sống
Truy xuất từ:
https://suckhoedoisong.vn/benh-ghe-dieu-tri-bang-cach-nao-169220111201400701.htm
* Tham khảo: “Nấm da (hắc lào): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị” - Vinmec
Truy xuất từ:
https://www.vinmec.com/vi/benh/nam-da-hac-lao-3963/
Ngày truy xuất: 05/05/2024
CH-20240507-10