Các loại nấm da thường gặp ở người Việt Nam
Nấm da là bệnh thường gặp, có thể lây lan bằng nhiều con đường khác nhau. Nấm thường phát triển ở những vùng da ẩm ướt, nhiều mồ hôi và gây ngứa ngáy, khó chịu. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn kiến thức về các loại nấm da phổ biến để biết cách phòng ngừa, điều trị.
1. Vì sao bệnh nấm da lại phổ biến ở Việt Nam
Nấm da hoặc bệnh da thường do nấm sợi là bệnh mà cơ thể người bị nhiễm những loài vi nấm sống, gây ra bệnh tại lớp sừng da, móng, lông. Việt Nam thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nên đã tạo điều kiện thích hợp để nấm da lây lan, phát triển.
2. Các bệnh nấm da thường gặp ở Việt Nam
2.1 Bệnh hắc lào
Là một trong số các loại nấm da thường gặp ở Việt Nam. Hắc lào còn được gọi với cái tên khác là nấm đồng tiền. Về bản chất, bệnh do nấm Dermatophyte gây ra. Hắc lào có thể gây ra những tổn thương ở khu vực da mặt, đầu, thân, các chi (móng tay, đùi, kẽ chân…).
Bệnh hắc lào thường gặp vào thời điểm chuyển mùa đông – xuân hoặc xuân – hạ. Thời tiết nóng ẩm ở các thời điểm này đã tạo điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Biểu hiện của bệnh hắc lào là xuất hiện những vết mẩn đỏ, mụn nước mọc thành tròn hoặc bầu dục với những mảng bờ có vảy nổi cao, lan rộng ra xung quanh và lành ở giữa. Các tổn thương của bệnh hắc lào sẽ khiến người mắc bệnh cảm thấy khó chịu, đặc biệt khi thời tiết nóng nực, cơ thể đổ nhiều mồ hôi hoặc vào ban đêm.
Đặc biệt, khi ngứa ngáy bệnh nhân thường gãi, cào khiến cho các mụn nước bị tổn thương. Mụn nước vỡ ra có thể là môi trường để vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng, mủ vàng, phồng rộp. Nếu không điều trị và chăm sóc bệnh hắc lào đúng cách thì những tổn thương của bệnh có thể lan rộng ra toàn thân hoặc bị chàm hóa.
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh hắc lào là thói quen vệ sinh cá nhân kém. Kết hợp với thời tiết nóng ẩm, mặc trang phục bị ẩm ướt hoặc môi trường xung quanh mất vệ sinh… khiến cho vi nấm, vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, bệnh hắc lào cũng có thể do nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm.
2.2 Bệnh lang beng
Lang beng là một trong các loại bệnh nấm ngoài da phổ biến ở những nước nhiệt đới, cận nhiệt đới. Bệnh lang beng được gây ra bởi một loại nấm men Malassezia. Bình thường loại nấm này ký sinh trên da người nhưng không gây ra bất cứ triệu chứng nghiêm trọng nào. Chỉ khi chúng phát triển quá mức mới bắt đầu gây bệnh lang beng.
Hiện chưa tìm ra được nguyên nhân chính tạo điều kiện cho nấm Malassezia phát triển. Tuy nhiên, có một số yếu tố được cho là có thể gia tăng nguy cơ gây bệnh như:
- Do môi trường thời tiết với khí hậu nóng ẩm
- Người đổ nhiều mồ hôi
- Do mặc quần áo quá dày hoặc quá chật, sử dụng kem dưỡng quá nhiều khiến cho da bị ẩm, bí
- Người bị suy giảm miễn dịch
- Cơ thể bị suy dinh dưỡng, thiếu chất
- Đối tượng thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người lớn tuổi
Triệu chứng của bệnh lang beng là những mảng da đổi màu, chúng có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể như: cánh tay, da mặt, lưng, cổ, ngực. Những khu vực nhiễm nấm lang beng, da sẽ sáng hơn vùng da khác vì sắc tố bị giảm. Da bị lang beng có thể có màu hồng, đỏ, nâu hoặc rám nắng. Vùng da bị nấm lang beng có thể hơi nhô lên. Tình trạng nấm sẽ giảm đi trong điều kiện thời tiết mát mẻ, độ ẩm thấp.
2.3 Bệnh nấm kẽ
Trong các loại nấm da thường gặp còn phải kể đến bệnh nấm kẽ. Bệnh được gây ra bởi nhiều loại nấm, nhất là nấm men do Candida, nấm sợi gồm: Trichophyton, Epidermophyton, đôi khi có thể do Microsporum trichophyton. Bệnh nấm kẽ xuất hiện với triệu chứng tổn thương các kẽ gồm: khoeo chân, bẹn, kẽ tai, kẽ tay, kẽ cổ, kẽ mũi, kẽ vú, nách…
Để phòng chống nấm kẽ, cần chú ý tới việc vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống của gia đình, tránh để cho môi trường ẩm ướt vì sẽ tạo điều kiện để nấm phát triển. Nên giữ cho vùng nếp kẽ da luôn sạch và khô, thường xuyên thay quần áo. Bệnh cạnh đó, cần thường xuyên giặt giũ khăn trải giường và đem phơi dưới ánh nắng mặt trời.
2.4 Bệnh nấm móng
Nấm móng là bệnh nhiễm nấm ở một hoặc nhiều móng tay, chân. Bệnh có thể xuất hiện với một đốm trắng hoặc vàng ở dưới đầu móng tay hoặc đầu móng chân. Đây là một trong các loại nấm trên da thường xuất hiện ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với nước. Nấm móng khiến cho các móng bị hư, hủy, đôi khi có mủ, gây đau đớn. Căn bệnh này được gây ra bởi nhiều loại nấm, trong đó có thể kể tới hai nhóm tiêu biểu là: nấm men (Candida) và nấm sợi tơ (Dermatophytes).
Những triệu chứng thường thấy của bệnh nấm móng gồm: bề mặt móng xù xì, bao phủ bởi lớp vảy mịn giống như cám, có lằn sọc ngang hoặc dọc. Chỗ nhiễm nấm có màu nâu đen hoặc hơi vàng. Móng bị nấm thường mủn và dễ gãy. Lúc đầu, người bệnh chỉ bị 1-2 móng nhưng nếu không được điều trị thì nấm sẽ dần dần lan ra các ngón. Nhiễm nấm móng chân sẽ rất đau, phần móng nấm có mủ, sưng đỏ và gây ngứa nhiều.
2.5 Nấm da đầu
Bệnh thường dễ gặp phải ở những người làm việc cường độ cao, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, ở tập trung và điều kiện vệ sinh cá nhân không tốt… Bệnh nấm da đầu có thể lây trực tiếp qua da hoặc lây khi dùng chung đồ cá nhân.
Nấm da đầu phổ biến với 2 loại. Đầu tiên là nấm da đầu do Trichophyton. Biểu hiện bệnh là xuất hiện các vết sẩn nhỏ, rải rác trên da đầu cùng những mảng vảy mỏng, nhỏ. Các mảng vảy khi bong khỏi ra đầu kèm tóc rụng sẽ tạo ra mảng hói tạm thời. Nấm da đầu do Trichophyton khiến người mắc cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.
Thứ hai là bệnh trứng tóc, được gây ra bởi chủng nấm Pierdraiahortai và Trichosporon. Biểu hiện của bệnh là có những hạt tròn, mềm màu nâu hoặc đen nằm dọc chân tóc. Nếu không nhìn kỹ bạn có thể nhầm với trứng chấy. Trứng tóc không gây rụng tóc và ít ngứa.
Như vậy, bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về các loại nấm da thường gặp. Hi vọng, thông tin này sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc bản thân, gia đình.
Nguồn tham khảo:
*Tham khảo: “Bệnh hắc lào: Nguyên nhân và cách phòng ngừa" – Sức khỏe & Đời sống
Truy xuất từ:
https://suckhoedoisong.vn/benh-hac-lao-nguyen-nhan-va-cach-phong-ngua-169230625191333335.htm
*Tham khảo: “ Nhận biết và điều trị nấm lang ben" – Sức khỏe & Đời sống
Truy xuất từ:
https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-dieu-tri-nam-lang-ben-169221004123654337.htm
* Tham khảo: “ Nấm kẽ ở trẻ hay bị ở đâu và có biểu hiện như thế nào" – Trung tâm y tế quận 5
Truy xuất từ:
https://bvquan5.medinet.gov.vn/giao-duc-suc-khoe-benh-thuong-gap/nam-ke-o-tre-hay-bi-o-dau-va-co-bieu-hien-the-nao-cmobile14478-82797.aspx
*Tham khảo: “ Thuốc trị nấm da đầu” – Sức khỏe & Đời sống
Truy xuất từ:
https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-nam-da-dau-169220518120858403.htm
Ngày truy xuất: 11/12/2023
CH-20240328-04